Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

Thực trạng tiếp thị trực tuyến ” Quảng cáo Online”

 Hội nghị “Định hướng tiếp thị trực tuyến năm 2012” do Báo DĐDN và Công ty Cổ phần Tập đoàn Truyền thông và Công nghệ Nova phối hợp tổ chức dưới sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam vừa diễn ra sáng 26/11 tại Hà Nội.

 Hội nghị nhằm đón đầu xu hướng phát triển của lĩnh vực tiếp thị trực tuyến trong giai đoạn hiện nay và những năm tới. Đây cũng là diễn đàn mở, chia sẻ thực trạng thị trường tiếp thị trực tuyến hiện nay và những kinh nghiệm thực tế, những giải pháp cho năm tới.

Đây là Hội nghị lớn nhất từ trước đến nay về lĩnh vực tiếp thị trực tuyến tại Việt Nam
 
  Tham dự hội nghị có ông Phạm Gia Túc – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; ông Trần Đăng Tuấn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam; ông Glyn Evans – Giám đốc nghiên cứu Công ty TNS; bà Nguyễn Hà Thư An – Giám đốc bộ phận 360 Digital Influence, Chuyên gia tư vấn chiến lược tiếp thị của Công ty T&A Ogilvy; bà Trần Thị Thu Trang – Giám đốc chi nhánh FPTonline; ông Nguyễn Minh Quý – Tổng giám đốc Nova Ads; và bà Lê Thúy Hạnh – Tổng giám đốc Digimarketing và hơn 300 khách mời là giám đốc, trưởng phòng marketing của các doanh nghiệp.

Internet tác động lớn tới người tiêu dùng:
Sau bài phát biểu nhấn mạnh về khả năng tạo sức bật của internet đối với các doanh nghiệp Việt Nam của ông Phạm Gia Túc – Phó Chủ tịch VCCI và mong muốn cung cấp cho các doanh nghiệp tư vấn, triển khai dịch vụ tiếp thị tốt hơn của ông Trần Đăng Tuấn – Phó Chủ tịch Hiệp hội quảng cáo Việt Nam, ông Glyn Evans – Giám đốc nghiên cứu Công ty TNS Việt Nam đã có bài diễn thuyết nói về hành vi sử dụng internet của người tiêu dùng Việt Nam.
 
Hơn 300 khách mời là giám đốc, trưởng phòng marketing của các doanh nghiệp tham dự Hội nghị
 
 Theo điều tra của TNS, 67% người sử dụng internet Việt Nam truy cập internet hàng ngày so với tỷ lệ trung bình của thế giới là 68%;  97% người dùng internet tìm kiếm các thương hiệu trên internet so với tỷ lệ trung bình thế giới là 72%. Tuy nhiên, chỉ có 28% người dùng Internet Việt Nam viết/bình luận về các thương hiệu trên mạng và chỉ có 23% là fan của các thương hiệu trên các mạng xã hội. Trong khi, các tỷ lệ trung bình của thế giới lần lượt là 47% và 40%.

 Theo ông Glyn Evans, người Việt Nam không thích viết bình luận về các thương hiệu, nhưng lại thích đọc bình luận về các thương hiệu trên mạng internet hơn cư dân các nước khác. Các ngành được đọc và viết nhiều nhất trên mạng tại Việt Nam là: Điện thoại, Mỹ phẩm; ít được đề cập tới nhất là Thức ăn cho vật nuôi. Các thông tin bình luận của người dùng trên mạng internet tác động rất lớn tới người tiêu dùng trong các giai đoạn: nhận thức về sản phẩm/dịch vụ; tìm hiểu thông tin và lựa chọn mặt hàng; lựa chọn địa điểm mua hàng. Trong khi, người bán hàng lại tác động mạnh tới các giai đoạn chăm sóc sau bán và giữ mối quan hệ sau bán hàng.

 Cũng theo kết quả điều tra của TNS, có 57% người được điều tra cho rằng họ tin tưởng vào những gì người khác nói về thương hiệu hơn là chính người bán nói về thương hiệu. 54% tin tưởng ở bình luận của bạn bè, và có tới 41% tin tưởng ở bình luận của cả những người họ chưa từng quen biết. 52% người tiêu dùng Thế giới cho rằng “các bình luận tiêu cực có thể ảnh hưởng mạnh tới đánh giá của họ về thương hiệu”, trong khi đó, tỷ lệ này tại Việt Nam lên tới 64%.
 
Ông Glyn Evans – Giám đốc nghiên cứu Công ty TNS Việt Nam thuyết trình tại Hội nghị
 
 Ông Glyn Evans khẳng định: Hành vi mua hàng của người tiêu dùng ngày nay đã thay đổi rõ rệt. Nếu như trước đây, người tiêu dùng qua tiếp cận với các phương tiện truyền thông đại chúng như: truyền hình, báo, tạp chí, catalogue,… để biết tới người bán. Thì ngày nay, dưới tác động của Internet, người mua tiếp cận với rất nhiều kênh thông tin tương tác đa chiều: Trang tìm kiếm, các trang mạng xã hội, website người bán, blog, bình luận của bạn bè, người thân, và cả của người lạ.. rồi so sánh, quyết định mua ngay trên mạng internet hay gọi điện tới cửa hàng bán để mua.

5 kênh tiếp thị hiệu quả:
 Đứng trước sự thay đổi của người tiêu dùng, doanh nghiệp phải sử dụng internet như thế nào cho hoạt động tiếp thị của doanh nghiệp? Phần thuyết trình của bà Nguyễn Hà Thư An – Chuyên gia tư vấn chiến lược tiếp thị, Giám đốc bộ phận 360 Digital Influence đến từ Công ty T&A Ogilvy đã giải đáp được nhiều băn khoăn của các doanh nghiệp.
 Theo thống kê mới nhất của Ogilvy, 90% người tiêu dùng có sử dụng internet tại Việt Nam nghiên cứu trên mạng trước khi mua hàng; 72% sử dụng công cụ tìm kiếm; 44% truy cập các trang thương mại điện tử; và 43% truy cập trang web của thương hiệu/doanh nghiệp. Cũng theo thống kê này, mức sử dụng điện thoại di động của người Việt Nam là 120%, với 110 triệu số thuê bao. Trong đó, 22% sử dụng điện thoại thông minh (smart phone); Số người dùng điện thoại truy cập web tăng 846.9% vào năm 2009, là một trong những nước có mức tăng nhanh nhất tại Đông Nam Á; Điện thoại di động liên kết với nhiều kênh khác như web, kỹ thuật số tại chỗ, mạng xã hội hoặc GPS.

Phần thuyết trình của bà Nguyễn Hà Thư An – Chuyên gia tư vấn chiến lược tiếp thị, Giám đốc bộ phận 360 Digital Influence đến từ Công ty T&A Ogilvy đã giải đáp được nhiều băn khoăn của các doanh nghiệp.
 
 Từ thống kê trên, bà Thư An cho rằng, doanh nghiệp có 5 cách tiếp cận người tiêu dùng trong truyền thông kỹ thuật số.
  Thứ nhất, là tương tác trên website. Đây là kênh tiếp thị hiệu quả bởi website có vai trò thu thập được nguồn thông tin về sản phẩm trước khi mua hàng cũng như cung cấp toàn bộ thông tin về nhãn hàng vì không có giới hạn không gian. Website còn cho người dùng trải nghiệm được dưới nhiều hình thức: video, hình ảnh, hình không gian 3 chiều, đồng thời thu thập thông tin của người dùng để phục vụ cho chiến dịch marketing trong tương lai. Đặc biệt, website còn có thể đo lường được mức độ hiệu quả vì có các số liệu thống kê và tương tác.
  Thứ hai, là tiếp thị qua Viral video. Đây là kênh tìm kiếm lớn thứ hai, sau Google. Tại đây, cộng đồng có thể chia sẻ những video lớn nhất thế giới với hiệu quả lan truyền cao. Có thể kể đến kênh tiếp thị lớn như Youtube. Kênh này đã ngốn hết 80 triệu tiếng đồng hồ xem video mỗi ngày của chúng ta. Youtube là một kênh truyền thông cho phép doanh nghiệp quảng bá sản phẩm và dịch vụ của mình theo phong cách đầy sáng tạo, từ những cuộc diễn thuyết, tour giới thiệu hay video/phim tài liệu, trong các hình thức đó đến CEO cũng có mặt.
  Thứ ba, là mạng xã hội. Người Việt Nam có thói quen than phiền hay chia sẻ bất mãn về dịch vụ hay thương hiệu nào đó trên mạng xã hội. Cũng tại mạng xã hội, chúng ta còn có thể tự động quảng bá cho thương hiệu mình thích, hay có thể gia nhập trang hoặc nhóm của thương hiệu, người nổi tiếng mà mình ưa thích. Đặc biệt, chúng ta có thể giúp thương hiệu mình yêu thích trở thành tâm điểm đẻ mọi người cùng thảo luận trên mạng xã hội.
  Thứ tư, là những đột phá trong truyền thông kỹ thuật số. Đây là kênh kết hợp giữa thực tế và ảo. Tương tác được theo thời gian thật. Tại đây, chúng ta có thể sử dụng trải nghiệm thực tế ảo để giúp hình ảnh thương hiệu trở nên hợp thời hơn.
  Thứ năm, là tiếp thị qua trang web tìm kiếm. Hiện, công cụ tìm kiếm lớn nhất thế giới là google. Tìm kiếm bao giờ cũng là điểm khởi đầu. Nghiên cứu của Nielsen cho thấy 80% tất cả các hoạt động trên mạng bắt đầu từ tìm kiếm; và 41% số người truy cập internet dùng công cụ tìm kiếm để dẫn tới website. Cũng theo nghiên cứu này, khả năng người tìm kiếm sẽ click vào trang của bạn cao hơn gấp 3 lần thông thường nếu nó nằm trong 3 vị trí kết quả đầu tiên
Ưu điểm của quảng cáo trực tuyến:
 So sánh giữa quảng cáo trực tuyến và quảng cáo truyền thống, bà Trần Thị Thu Trang – Giám đốc chi nhánh Hà Nội Công ty FPTonline cho biết, hiệu quả của quảng cáo trực tuyến là đo đếm được, còn kênh truyền thống thì không. Quảng cáo trực tuyến cho quả cao, chi phí thấp, nhưng quảng cáo truyền thống thì ngược lại, chi phí cao, trong khi hiệu quả lại không được như ý. Quảng cáo trực tuyến không có phạm vi bởi internet đã được phổ biến trên toàn cầu, trong khi kênh quảng cáo truyền thống lại bị giới hạn về địa lý. Về đối tượng tiếp nhận, quảng cáo trực tuyến nhắm đến đúng đối tượng cần quảng cáo, còn kênh truyền thông lại không xác định được. Ngoài ra, quảng cáo trực tuyến còn có lợi thế về mặt tương tác, hình thức thể hiện phong phú, người quan tâm có thể xem bất cứ lúc nào, trong khi quảng cáo truyền thống không tương tác được, hạn chế, người xem chỉ có thể xem được tại một thời điểm nhất định.
 
Bà Trần Thị Thu Trang – Giám đốc chi nhánh Hà Nội Công ty FPTonline
 
 Qua nghiên cứu thị trường, ông Nguyễn Minh Quý – Tổng giám đốc Công ty Nova Ads cho biết: Tại Việt Nam, các doanh nghiệp đang sử dụng kênh kênh quảng cáo tìm kiếm đã có nguồn ngân sách phân bổ nhất định để sử dụng dịch vụ này và họ cũng có những kiến thức cơ bản về dịch vụ. Nếu như vài năm trước đây, thị phần trong quảng cáo tìm kiếm chiếm chưa đến 10%, thì đến năm 2011, thị phần này đã lên tới 20% và hiện đã vượt 25%. Điều này cho thấy hiệu quả của quảng cáo trực tuyến ngày càng cao, và các doanh nghiệp cũng đang đánh giá rất cao về thị trường này.
 
Đông đảo phóng viên báo, đài tác nghiệp tại Hội nghị
 
 Thống kê từ Nova Ads cho thấy, 81% người tìm kiếm thông tin qua internet 6,4 ngày/tuần; 57% người tìm kiếm thông tin trên tivi 5,2 ngày/tuần; 36% người tìm kiếm thông tin 4,1 ngày/tuần qua báo, tạp chí; còn lại 12% tìm kiếm thông tin 2,1 ngày/tuần qua radio. Nếu như số người sử dụng internet năm 2003 chỉ là 3,1 triệu người thì đến tháng 9/2011, con số này đã tăng lên 30,2 triệu người. Thống kê cũng cho thấy, 92% khách hàng sử dụng trang web tìm kiếm; 83% người tìm kiếm online – mua offline; 15% người tìm kiếm online – mua online.
 
Ông Nguyễn Minh Quý – Tổng giám đốc Công ty Nova Ads
 
Theo ông Quý, quảng cáo tìm kiếm có 3 ưu việt. Thứ nhất là tính nhắm chọn. Với quảng cáo trực tuyến, ta có thể tìm kiếm đúng lúc, đúng khách và đúng thị trường mình quan tâm. Thứ hai là tính linh hoạt. Quảng cáo tìm kiếm linh hoạt về ngân sách, về nội dung và thời gian. Và cuối cùng, quảng cáo tìm kiếm cho ta báo cáo minh bạch và chính xác.
 
Xu hướng tất yếu:
 
Nhận định về xu hướng quảng cáo, tiếp thị và truyền thông trực tuyến năm 2012 và những năm tới, bà Lê Thúy Hạnh – Tổng Giám đốc Công ty Digimarketing cho biết: Internet đã trở thành công cụ rất phố biến trên thế giới, nó phổ biến như là cuộc sống thứ hai, đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế nói chung. Internet đã góp phần tạo ra các khái niệm truyền thông số hay là tiếp thị trực tuyến, trong đó, tiếp thị số và thương mại điện tử là hai lĩnh vực quan trọng mà internet đóng góp vào sự phát triển của tiếp thị trực tuyến.
 
Bà Lê Thúy Hạnh – Tổng Giám đốc Công ty Digimarketing
 
   Trong thời gian đầu, tiếp thị là để truyền tin, để lan truyền và đơn thuần tiếp thị chỉ để tiếp thị, nhưng sang giai đoạn này tiếp thị để bán hàng, để tăng giá trị. Bởi lẽ, đây là thời điểm mà mô hình kinh doanh kiểu cũ đã bị lạc hậu, bước sang một mô hình kinh doanh hoàn toàn mới trên toàn cầu. Mô hình kinh doanh thay đổi thì cách thức tiếp thị thay đổi. Khách hàng thay đổi cách tư duy từ sử dụng sản phẩm từ khai thác tài nguyên là chủ yếu sang sử dụng các sản phẩm có hàm lượng tri thức cao, có yếu tố xanh và bền vững. Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó. Xu hướng truyền thông trực tuyến trở thành nhu cầu tất yếu chứ không còn là xu hướng. Tiếp thị trực tuyến giúp cho nhà sản xuất nghiên cứu hành vi tiêu dùng nhanh hơn, kịp thời hơn, không còn sản xuất hàng loạt. Chi phí rẻ hơn, tính loan truyền nhanh hơn, hiệu quả đem lại cụ thể hơn và có thể đo lường được.
Nguồn: Nova Ads + DDDN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét